Đối lập với sự phấn khích khi các bạn đặt chân tới “Miền đất hứa”, dù ít hay nhiều cơ thể bạn sẽ phải “reset” lại để thích nghi với môi trường mới. Với một số người, quá trình này sẽ rất ngắn và dễ dàng, tuy nhiên, số còn lại sẽ rất dài và khó khăn, thậm chí khiến các bạn bỏ cuộc nửa chừng và phí hoài tất cả hy vọng cũng như số tiền không nhỏ mà gia đình phải bỏ ra. Người ta gọi cái thứ đáng ghét đó bằng cái tên “chuyên môn” là shock văn hóa.
Mình đã được nghe rất nhiều tới những “tấm gương” tự hào vỗ ngực xưng ta đây đâu có biết cái gì là shock với chả văn hóa, chỉ cần 2, 3 ngày là lại phơn phởn như ở nhà ngay. Nhưng các bạn chỉ đang lừa mình dối người thôi (mình là ví dụ sống, mình chỉ nói thế để gia đình không lo lắng), bởi vì nếu sự khác biệt về múi giờ không khiến bạn phiền hà, thì vẫn còn vô số thứ khác như sự khác biệt về ẩm thực, văn hóa và dĩ nhiên là về ngôn ngữ cũng đủ quay các bạn chóng mặt thấy sao luôn rồi.
Trước tiên là về thứ mà nhiều người gặp vấn đề nhất – ngôn ngữ. Dù bạn có học giỏi tiếng Anh tới đâu nhưng nếu không có cơ hội thực hành với người bản địa thường xuyên, thì những lý thuyết về ngữ pháp đó không quá có ích (trừ khi bạn viết chứ không nói), bởi vì tốc độ nói của họ quá nhanh hoặc những từ lóng hay những thành ngữ khiến bạn bối rối, hoặc cũng có thể bạn quá rối mà không nói được trọn ý mình,… có vô vàn khó khăn khi sử dụng tiếng ngoại quốc. Tuy nhiên, bạn không nên vì thế mà ngại không nói chuyện hoặc kết bạn, bởi vì có nói thì người ta mới sửa cho bạn được, hơn nữa, người Mỹ thường rất thân thiện với du học sinh, bạn có thể giải thích với họ trước và nhờ họ sửa lỗi cho mình. Ngoài ra, chính việc kết bạn đó sẽ giúp bạn thực hành và hoàn thiện kỹ năng nói của mình cũng như giúp cho khoảng thời gian du học của bạn vui vẻ hơn (mà bạn cũng có thể hỏi thêm về văn hóa Mỹ hay những việc ở trường mà bạn không chắc chắn nữa, tóm lại là có người giải thích miễn phí).
Khi mới tới nhà host, mình bị đau bụng mấy ngày liền, cái cảm giác đi học với cái bụng biểu tình kịch liệt chả vui vẻ gì hết, mình nghĩ rằng đó là do múi giờ khác nhau khiến cơ chế sinh lý bị đảo lộn tùng phèo cộng thêm thức ăn có phần khác biệt. Hên sao là cái dạ dày của mình làm quen rất nhanh và ngay sau đó mình đã khỏe mạnh tung tăng bay nhảy như trước, ngoài ra thì mình không có quá nhiều vấn đề với sự chênh lệch múi giờ vì hồi ở Việt Nam mình hoàn toàn ngủ ban ngày và hóa thân cú đêm vào buổi tối.
Mình từng nghe chuyện kể về thức ăn nhanh ở Mỹ và những du học sinh cảm thấy choáng vì ở đâu cũng chỉ có McDonald’s, Subway, Chick-fil-a, ..vv.. họ cảm thấy khó ăn, muốn ói, bla bla bla… Mình xin đính chính là mình rất khó nuôi nhé, mặc dù Mỹ có rất nhiều quán ăn nhanh nhưng ai bảo bạn phải ăn đâu, chưa kể bạn có thể vô nhà hàng hoặc tự nấu ở nhà mà, vì vậy mình hoàn toàn chán ghét ai nói rằng họ thấy khó chịu chỉ vì họ viện lý do cho cái sự lười biếng của mình (và thật ra cũng có những quán ăn nhanh rất ngon và bổ khỏe như Subway nè, vấn đề ở chỗ bạn phải thử nghiệm tìm nơi mình thích nhất thôi). Ở ngoài siêu thị (Walmart, Kroger…) có bán nguyên liệu làm đồ ăn Châu Á, dù không đa dạng hoặc không ngon bằng ở nhà nhưng bạn vẫn có thể tự nấu những món đơn giản, vừa rẻ vừa ngon. Hay các bạn có thể làm quen với đồ ăn Mỹ, thật ra thì cũng không khó ăn lắm đâu, hầu hết những du học sinh giao lưu văn hóa như mình cứ than là sợ mập ra ấy.
(còn tiếp)
Uyên – CTV INEC