Những điểm đến du học hấp dẫn nhất thế giới

Du học hiện đã trở thành một trào lưu trên thế giới. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển châu Âu (OCDE), trong vòng 10 năm trở lại đây, số du học sinh trên toàn thế giới đã tăng gấp đôi, lên đến hơn 4 triệu người. Ba điểm đến hiện được cho là hấp dẫn nhất là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Nếu trước đây, nước Mỹ hùng mạnh về kinh tế, khoa học, công nghệ, với một hệ thống trường đại học tốt nhất thế giới và các chương trình đào tạo xuất sắc trên hầu hết mọi lĩnh vực, cùng vô số các cơ hội nghiên cứu, thực tập tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp… được coi là thiên đường du học số 1 thế giới thì ngày nay, Trung Quốc nói chung và Bắc Kinh nói riêng là trung tâm giáo dục ngày càng thu hút du học sinh quốc tế.

Một trong những mục đích chính của du học sinh quốc tế khi tới Trung Quốc đó là khám phá thế mạnh của nền kinh tế đang xếp thứ 2 thế giới, những điều đã làm nên “sự trỗi dậy của đất nước Trung Hoa”. Một trong những cơ hội  học bổng  hấp dẫn và danh giá nhất để được theo học tại Trường đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh là  học bổng  Schwarzman Scholars do nhà tỉ phú Mỹ Stephen Schwarzman vừa thành lập.

Chương trình sẽ bắt đầu từ năm 2016 và có đến 200 du học sinh được học bổng của quỹ này (40% quốc tịch Mỹ và 60% các quốc tịch khác) sẽ tới học tại ngôi trường đã đào tạo nên nhiều thế hệ lãnh đạo nổi tiếng của Trung Quốc.

Xem thêm:  Du học Mỹ – Nhóm ngành nào là thế mạnh để học hiệu quả?

Ý tưởng dự án được Giám đốc Đại học Thanh Hoa đề xuất với tỉ phú Mỹ nhân kỷ niệm 100 năm thành lập trường đại học danh giá nhất Trung Quốc này vào năm 2012, nhằm “giảm bớt căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước phát triển, do kinh tế Trung Quốc tăng gấp 2, 3 lần so với các nước công nghiệp hóa”.

Ngoài giờ học, các sinh viên sẽ được gặp các nhà lãnh đạo cao cấp, đi thực tế tại các vùng khác nhau của Trung Quốc và mỗi người sẽ có một người hướng dẫn. Chương trình nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch nước Tập Cận Bình vì “một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ là nâng các trường đại học lên tiêu chuẩn quốc tế”.

Tỉ phú Stephen Schwarzman đã thuyết phục được nhiều nhà lãnh đạo chính trị và các nhân vật quốc tế đỡ đầu cho chương trình của mình, trong đó có cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, 3 cựu Ngoại trưởng Mỹ là Henry Kissinger, Colin Powell và Condoleezza Rice và ngoài ra còn có cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.

Trong khi đó, nước láng giềng Ấn Độ lại là “cõi thần tiên” đối với du học sinh ngành quản trị, đặc biệt là du học sinh Đức. Đất nước hơn 1,2 tỉ dân này nổi tiếng nhờ 13 học viện quản lý và các trường thương mại, với điều kiện  tuyển sinh  khó khăn và chỉ tiêu tuyển sinh rất thấp. Chính vì thế, số du học sinh nước ngoài may mắn theo học tại các trường này đều nằm trong chương trình hợp tác trao đổi. Các trường thương mại của Đức đặc biệt quan tâm tới Ấn Độ bởi nền kinh tế nước này đang là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Xem thêm:  Xin học bổng du học Mỹ có khó không ?

Từ khi tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai tại Thổ Nhĩ Kỳ, sinh viên nước này ưu tiên chọn du học tại Mỹ. Sinh viên Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng nhắm đến Mỹ nhiều hơn so với Anh và Pháp bởi Anh thắt chặt việc cấp visa và tiếng Pháp ít được sử dụng. Với gần 12.000 sinh viên theo học trên các giảng đường đại học Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua các nước Anh (với 9.000 sinh viên) hay Đức (với 9.300 sinh viên).

Ngược lại với xu hướng du học để tìm kiếm việc làm ở nước ngoài, trong vòng 5 năm trở lại đây, số du học sinh Trung Quốc về nước rất đông, khoảng 800.000 người.

Tuy nhiên, việc làm tại Trung Quốc cũng chẳng dễ dàng gì. Một cuộc thăm dò cho biết, khoảng 60% du học sinh Trung Quốc về nước ít hài lòng với công việc và mức lương hiện tại, 79% muốn quay về Trung Quốc và muốn làm việc cho các công ty nước ngoài tại Trung Quốc, chủ yếu là các công ty châu Âu và Mỹ. Những lĩnh vực đặc biệt thu hút cựu du học sinh là tin học, tài chính và công nghiệp tiêu dùng.

Linh Linh (Theo Der Spigel)

1 COMMENT

  1. Du học đã trở thành một trào lưu thế giới vậy chắc hẳn đời sống mỗi người ngày càng tiến bộ hihi ?

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here