Du học Mỹ ngành y và những điều cần biết

0
4100

Chăm sóc sức khỏe là một trong những nhu cầu thiết yếu nhất trong xã hội hiện đại, đó là lý do mà việc đào tạo ngành y luôn là một quá trình lâu dài và đòi hỏi ở người học nhiều tố chất quan trọng. Bạn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và cạnh tranh ngay từ thời điểm bắt đầu theo đuổi ngành học này.

Những người chọn học ngành y tế sẽ cần sự yêu thích đặc biệt với khoa học, cùng với niềm đam mê giúp đỡ người khác – sự kết hợp của hai yếu tố đó sẽ tạo ra động lực cần thiết để bạn tiếp tục trải qua nhiều năm huấn luyện và trở thành một bác sĩ thành thạo. Đặc biệt hơn nữa, ngành y còn đòi hỏi bạn phải có lòng tin vững vàng vào chính bản thân và sự cam kết tuyệt đối với lĩnh vực này.

Nước Mỹ hiện tại có khoảng 650.000* bác sĩ, hiện đang làm việc với mức lương trung bình từ 140.000 -170.000 USD/ năm*. Kể cả khi các bác sĩ khắp nơi trên thế giới đổ dồn về Mỹ để học tập và làm việc, thì các trường y của Mỹ vẫn không đào tạo đủ bác sĩ để cung cấp cho cả nước. Hiện có đến 170.000* bác sĩ tốt nghiệp tại nước ngoài đang làm việc tại Mỹ, chiếm khoảng 26.15%*. Với thu nhập cao và nhu cầu nhân lực dồi dào, việc được học tập và làm việc tại nước Mỹ đang được xem là mơ ước đối với tất cả các bạn trẻ quan tâm ngành y trên khắp thế giới.

*Số liệu tổng hợp từ VietMD – Tổ chức Y tế phi lợi nhuận của Mỹ chuyên giúp đỡ các bác sĩ và bệnh nhân Việt Nam.

Những điều cần biết về du học Mỹ ngành y

  1. Cấu trúc khóa học và yêu cầu nhập học

Chương trình đào tạo bác sĩ tại Mỹ có thể tóm tắt thành 3 giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1: Cử nhân dự bị (Pre-medicine):

Giai đoạn này kéo dài tối thiểu 4 năm. Để vào trường y, sinh viên phải sở hữu ít nhất một bằng đại học, thường là về chuyên ngành khoa học. Sau đó, sinh viên tham gia kỳ thi MCAT (Medical College Admission Test) với kết quả đảm bảo, cộng thêm quá trình làm thiện nguyện, các hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu và vượt qua vòng phỏng vấn tuyển sinh, các bạn sẽ được chọn vào trường y khoa sau 4 năm đại học.

Giai đoạn 2: Trường Y (Văn bằng Thạc sĩ Y khoa Doctor of Medicine, M.D.):     

Giai đoạn này sẽ kéo dài 4 năm và chia làm 2 thời kỳ. Trong đó, sinh viên dùng 2 năm đầu để tập trung tích lũy các kiến thức căn bản của ngành xen kẽ với các kỳ thực tập tại bệnh viện. Để được lên năm 3, sinh viên y phải thi đậu USMLE 1. Để tốt nghiệp, sinh viên bắt buộc phải đậu USMLE 2 và USMLE CS. Điểm USMLE 1 – 2 và CS dùng để nộp khi xin vào làm bác sĩ nội trú ở hệ thống các bệnh viện tại Mỹ.

Xem thêm:  Học bổng của Chính phủ Nhật Bản năm 2015

Giai đoạn 3: Nội trú (Residency or Fellowship) – chuyên khoa:

Giai đoạn nội trú thường được gọi là Graduate Medical Education, bao gồm Residency và Fellowship. Nội trú Residency bao gồm tất cả chuyên khoa. Còn Fellowship bao gồm các chuyên khoa sâu sau nội trú. Tất cả các bác sĩ muốn làm việc tại Mỹ đều phải học nội trú. Bác sĩ nội trú được trả lương hằng năm, trung bình khoảng 40.000 USD/ năm. Chương trình nội trú sẽ kéo dài từ 3 đến 7 năm tùy theo chuyên ngành. Trong thời gian này, các bác sĩ sẽ thi USMLE 3, đây là kỳ thi cuối để chứng nhận lấy bằng hành nghề.

  1. Những lựa chọn chuyên ngành cho sinh viên du học Mỹ ngành Y

Mặc dù có rất nhiều chuyên khoa, nhưng tất cả sinh viên du học Mỹ ngành y đều sẽ bắt đầu với một nền tảng kiến thức chung. Điều này sẽ cung cấp cho sinh viên những hiểu biết sâu sắc về sinh học con người, các nguyên tắc của quá trình điều trị bệnh, các giải pháp y tế và các thủ tục lâm sàng khác nhau. Từ đó, sinh viên sẽ có được quyết định đúng đắn về chuyên ngành tiếp tục theo đuổi.

Các bác sĩ tốt nghiệp tại Mỹ luôn có ưu thế hơn trong việc nộp đơn vào nội trú. Vì vậy, các chuyên ngành được yêu thích nhất tại Mỹ, hiện tại gồm có chuẩn đoán hình ảnh, da liễu, hồi sức gây mê, phẫu thuật não, thẫm mỹ và chấn thương chỉnh hình… thường được dành cho các bác sĩ tốt nghiệp trong nước (American Medical Graduate – AMG). Các bác sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài (International Medical Graduate – IMG) sẽ khó vào nội trú các ngành này. Nhưng ngược lại, các chuyên ngành nội khoa, sức khỏe gia đình, sức khỏe tâm thần và khoa nhi… lại là lựa chọn ít cạnh tranh hơn cho các các AMG lẫn IMG.

  1. Lựa chọn nghề nghiệp

Sinh viên du học Mỹ ngành y luôn được đảm bảo về triển vọng nghề nghiệp và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, thu nhập của các bác sĩ tại Mỹ thường sẽ có khác biệt khá lớn. Việc này thường tùy thuộc vào chuyên môn y khoa bạn chọn và trình độ chuyên môn bạn đạt được. Ví dụ, một bác sĩ đa khoa sẽ không được trả lương cao như một bác sĩ thần kinh học hay bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. Sau đây là những cơ hội nghề nghiệp cho cử nhân y khoa tại Mỹ:

Xem thêm:  Đây là cách tính điểm GPA chính xác để săn học bổng du học Mỹ!

Làm việc trong bệnh viện hoặc trung tâm phẫu thuật

Đa số sinh viên tốt nghiệp đại học y khoa sẽ trở thành bác sĩ và đảm nhiệm công việc truyền thống về chẩn đoán và điều trị bệnh nhân tại các bệnh viện hoặc phòng phẫu thuật. Tùy thuộc vào lĩnh vực chuyên sâu mà các bác sĩ sẽ đảm nhiệm vị trí ở những phòng ban khác nhau. Tuy nhiên, ngoài vai trò tại các bệnh viện và trung tâm phẫu thuật, có một số sự lựa chọn thay thế khác cho ngành y tế.

Nghiên cứu y học

Sau khi tốt nghiệp, một số sinh viên y khoa cũng chọn tham gia vào việc nghiên cứu y học. Họ quyết định sử dụng chuyên môn để góp phần phát triển kiến thức về các loại bệnh tật, nâng cao các kỹ thuật chẩn đoán và phương pháp điều trị. Cụ thể, sinh viên sẽ tham gia vào các công trình nghiên cứu nguyên nhân gây bệnh, kiểm tra tính hiệu quả của các loại thuốc mới, hoặc phát triển các chi nhân tạo, điều trị liệu pháp sinh sản và liệu pháp gen…

Các lựa chọn khác cho sinh viên y

Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp y khoa tại Mỹ còn có hàng loạt các lựa chọn nghề nghiệp khác. Bao gồm:

  • Các dịch vụ y tế quốc phòng: Đóng vai trò bác sĩ quân đội để hỗ trợ y tế cho các lực lượng vũ trang trên toàn thế giới.
  • Dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà tù: nơi các chuyên gia y tế cung cấp dịch vụ y tế tương tự như trong bất kỳ bệnh viện hoặc phòng phẫu thuật cho những tù nhân. Kiến thức về lĩnh vực sức khỏe tinh thần sẽ là lợi thế trong nghề này.
  • Làm việc ở nước ngoài ở các nước đang phát triển: Bác sĩ có chuyên môn về tai nạn và cấp cứu, sản khoa, y tế công cộng, bệnh truyền nhiễm và đa khoa đều có nhu cầu cao tại các nước đang phát triển.
  • Các bác sĩ viễn chinh: Những người được tuyển dụng để điều trị cho du khách trong các chuyến thám hiểm và du lịch nước ngoài.

Ngoài các vai trò khác nhau liên quan đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe, những ứng cử viên có kiến thức và về y khoa cũng được đánh giá cao trên nhiều lĩnh vực việc làm khác. Theo đó, các lựa chọn nghề nghiệp có thể kết hợp y tế thường thấy là biên tập cho tạp chí y học, luật sư y khoa, nhà phát triển dược phẩm, giảng viên y tế, nhà quản lý dịch vụ y tế và phát triển chính sách chăm sóc sức khỏe.